THỦ TỤC NHẬP KHẨU MÁY RỬA ĐŨA
Câu hỏi:
Công ty có kế hoạch nhập khẩu 01 thiết bị máy móc tự động rửa đũa ( chỉ có chức năng rủa đũa không rửa được bát, đĩa...). Hiện tại chúng tôi đang băn khoăn không biết nên để mã HS nào cho hợp lý. Chúng tôi đã thử tìm và thấy có 2 mã HS khá phù hợp như sau: mã HS 8422 "Máy rửa bát" và mã HS 8479 "Máy và thiết bị cơ khí có chức năng riêng biệt". Trong trường hợp để theo mã 8479 thì thủ tục nhập khẩu sẽ ra sao?
Trả lời:
1./ Về mã HS
Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS hàng hóa nhập khẩu:
+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
+ Căn cứ sáu quy tắc tổng quát tại Phụ lục II ban hành theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính hướng
Lưu ý, căn cứ vào hàng hóa thực tế xuất khẩu của công ty tại thời điểm xuất khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa xuất khẩu đó.
Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa, đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018) của Bộ Tài chính.
2./ Về thủ tục hải quan:
Đối với thủ tục và hồ sơ hải quan của hàng hóa xuất nhập khẩu thì đề nghị Công ty thực hiện theo Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018.
3./ Về chính sách mặt hàng:
Do công ty không nêu rõ tình trạng của hàng hóa (mới 100 % hay đã qua sử dụng) nên tổ tư vấn không thể trả lời chính xác câu hỏi trên. Công ty tham khảo các quy định sau:
3.1. Trường hợp hàng mới 100%
Mặt hàng của công ty không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ nên công ty có thể nhập khẩu như hàng hóa thông thường khác.
Tuy mặt hàng này không thuộc sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ Khoa học Công nghệ nhưng tuỳ mục đích sử dụng (kinh doanh, mua bán,…) công ty tham khảo các quy định sau trong thực hiện quản lý chất lượng hàng nhập khẩu:
- Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007.
- Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
-Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/03/201 sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,...
3.2. Trường hợp hàng đã qua sử dụng
Trên cơ sở mã HS của hàng hóa thực tế nhập khẩu đề nghị Công ty căn cứ các quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công thương để xác định điều kiện và hồ sơ thủ tục nhập khẩu.