Sau khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo, Ấn Độ vừa có động thái mới đối với loại lương thực của hàng tỷ người dân.
Mới đây Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ có hiệu lực ngay lập tức, một động thái có thể làm giảm thêm lượng xuất khẩu từ nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và nâng giá gạo toàn cầu, hiện đang giao dịch gần mức cao nhất trong vòng 12 năm qua.
Vào tháng trước, Ấn Độ đã gây bất ngờ cho người mua toàn cầu khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vốn được tiêu thụ rộng rãi, sau khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Một đại lý có trụ sở tại Mumbai với một công ty thương mại toàn cầu cho biết lệnh cấm đã thúc đẩy một số người mua tăng mua gạo đồ và nâng giá gạo lên mức cao kỷ lục.
Đại lý này cho biết: “Với mức thuế này, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ như nguồn cung từ Thái Lan và Pakistan. Hiện nay hầu như không có lựa chọn nào cho người mua”.
Ấn Độ xuất khẩu 7,4 triệu tấn gạo đồ vào năm 2022.
Vào tháng 7, chỉ số giá gạo của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do giá ở các nước xuất khẩu chính tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới và lượng gạo tồn kho thấp ở các nhà xuất khẩu khác có nghĩa là bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào cũng có thể làm tăng giá lương thực. Trước đó giá vốn đã tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine vào đầu năm 2022 và do thời tiết thất thường.
Một đại lý có trụ sở tại New Delhi của một công ty thương mại toàn cầu cho biết, Ấn Độ hiện đã áp đặt các hạn chế đối với tất cả các loại gạo non-basmati, loại gạo được người tiêu dùng ở châu Phi và châu Á cực kỳ ưa chuộng.
Đại lý này cho biết: “Giá gạo toàn cầu đã bắt đầu điều tiết trong vài ngày qua sau khi tăng hơn 25% do các hạn chế của Ấn Độ vào tháng trước. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ tăng trở lại”.
Việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm gần đây cho thấy sự nhạy cảm của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đối với lạm phát lương thực trước cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào năm tới.
Chính quyền của ông đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 9 năm 2022. Lệnh này cũng hạn chế xuất khẩu đường trong năm nay do năng suất mía giảm.
Theo Reuters