Mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ như thế nào?
Theo mô hình mới tại Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào 5 quy trình kiểm tra khác nhau theo hướng đơn giản dần. Đề án này hiện đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp.
Việc phân loại dựa trên lịch sử hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm mà các bộ, ngành, cơ quan Hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp đã thực hiện đối với mặt hàng, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Quy trình thứ nhất, hàng hóa được KTCL tại bộ ngành (trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định) (nhánh 1).
Đối với quy trình này, khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan đã có thông báo kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu do Bộ ngành cấp đối với lô hàng nhập khẩu (Bộ ngành cấp thông báo kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu trên cơ sở kiểm tra chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định).
Quy trình thực hiện thủ tục nhập khẩu và KTCL của doanh nghiệp gồm 6 bước: 1, bộ, ngành tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của doanh nghiệp (kèm chứng chỉ chất lượng đã được Tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp). 2, bộ, ngành xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng. 3, bộ, ngành kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo, hoặc lấy mẫu để thử nghiệm khi cần thiết (khoản 2 Điều 27 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa). 4, bộ, ngành thông báo kết quả KTCL cho doanh nghiệp. 5, doanh nghiệp nộp kết quả KTCL cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục nhập khẩu. 6, cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa.
Quy trình thứ hai, hàng hóa được KTCL tại cơ quan Hải quan (trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định) (nhánh 3).
Đối với quy trình này, khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan đã có chứng nhận hợp quy (không có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với lô hàng nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng do các bộ cấp).
Với quy trình này cơ quan Hải quan (cơ quan KTCL) thực hiện KTCL hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; ra thông báo kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu để thông quan.
Quy trình thực hiện thủ tục nhập khẩu và KTCL của doanh nghiệp gồm 4 bước như sau: Bước 1, cơ quan KTCL tiếp nhận hồ sơ hải quan, hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của doanh nghiệp (kèm chứng chỉ chất lượng đã được Tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp); bước 2, cơ quan KTCL xử lý hồ sơ hải quan, đồng thời với xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng; bước 3, cơ quan KTCL tích hợp việc kiểm tra hải quan và kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo hoặc lấy mẫu để thử nghiệm khi cần thiết (khoản 2 Điều 27 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa); bước 4, cơ quan KTCL thông báo kết quả KTCL trên Hệ thống thông quan điện tử tự động, Cổng thông tin một cửa quốc gia và thông quan hàng hóa.
Theo dự thảo đề án, với quy trình này, doanh nghiệp cắt giảm được 2 bước thủ tục so với quy trình hiện tại (nhánh 1), gồm bước: Nhận kết quả kiểm tra chất lượng từ Bộ ngành và bước nộp kết quả kiểm tra chất lượng từ bộ ngành cho cơ quan Hải quan để thông quan.
Quy trình thứ ba, hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy (nhánh 3). Đối với quy trình này, doanh nghiệp đăng ký KTCL tại cơ quan đầu mối thực hiện KTCL tại cửa khẩu (vừa thực hiện thủ tục hải quan, vừa thực hiện KTCL). Cơ quan KTCL gửi yêu cầu đến tổ chức giám định được chỉ định để thực hiện giám định, đồng thời thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra kết quả của tổ chức giám định, ra thông báo kết quả KTCL và thông quan.
Với quy trình này, doanh nghiệp cắt giảm được 3 bước thủ tục gồm: Doanh nghiệp nộp kết quả giám định do tổ chức giám định thực hiện cho cơ quan KTCL để kiểm tra lại; bộ, ngành thông báo kết quả KTCL cho doanh nghiệp; Doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra chất lượng từ Bộ ngành cho cơ quan Hải quan để thông quan.
Quy trình thứ 4, hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ) (hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương pháp kiểm tra chặt không phân biệt nhà nhập khẩu) (nhánh 4).
Đây là quy trình KTCL được đề xuất trên cơ sở quy định về giảm kiểm tra, áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm; kế thừa thực tiễn tốt trong quá trình triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sau 3 lần liên tiếp kiểm tra chặt đạt yêu cầu sẽ chuyển sang kiểm tra thông thường) (Điều 17 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
Hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ) là hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, có cùng tên gọi, mã số HS, và giống nhau về mọi phương diện (ví dụ như: công dụng, nhãn hiện, chủng loại, đặc tính kỹ thuật...) đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (không phân biệt nhà nhập khẩu) thuộc 1 trong 3 quy trình (1), (2), (3) của mô hình mới, cụ thể:
Quy trình 1: Hàng hóa có thông báo kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu do Bộ ngành cấp; cơ quan hải quan kiểm tra kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu do Bộ ngành cấp để thông quan.
Quy trình 2: Hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy (không có thông báo kết quả KTCL đạt yêu cầu nhập khẩu do Bộ ngành cấp); cơ quan hải quan thực hiện KTCL, ra thông báo kết quả KTCL và thông quan.
Quy trình 3: Hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy; cơ quan đầu mối KTCL tại cửa khẩu gửi yêu cầu tổ chức giám định được chỉ định; cơ quan đầu mối KTCL thực hiện KTCL, ra thông báo kết quả KTCL và thông quan.
Đối với hàng hóa đáp ứng điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, đã được Hệ thống thông quan điện tử tự động của cơ quan hải quan đưa vào diện kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ), doanh nghiệp đăng ký KTCL tại cơ quan KTCN tại cửa khẩu, cơ quan KTCL thực hiện kiểm tra hồ sơ và thông quan lô hàng.
Quy trình 5, hàng hóa thuộc diện kiểm tra giảm (hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương pháp kiểm tra thông thường theo từng nhà nhập khẩu) (nhánh 5).
Tương tự quy trình 4, đây là quy trình KTCL được đề xuất trên cơ sở quy định về giảm kiểm tra, áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm; kế thừa thực tiễn tốt trong quá trình triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sau 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng kiểm tra thông thường đạt yêu cầu sẽ chuyển sang kiểm tra giảm) (Khoản 1 Điều 17; Khoản 1 Điều 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
Hàng hóa thuộc diện kiểm tra giảm là hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, có cùng tên gọi, mã số HS, và giống nhau về mọi phương diện (ví dụ như: công dụng, nhãn hiện, chủng loại, đặc tính kỹ thuật...) đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường theo từng nhà nhập khẩu theo quy trình 4 của mô hình mới.
Đối với hàng hóa đáp ứng điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, đã được Hệ thống thông quan điện tử tự động của cơ quan hải quan đưa vào diện kiểm tra giảm, doanh nghiệp đăng ký KTCL tại cơ quan KTCN tại cửa khẩu, cơ quan KTCL chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu được áp dụng phương thức kiểm tra giảm của 1 năm liền kề trước đó.
Theo: Haiquanonline