Hàng xuất trả lại
Câu hỏi:
Hiện tại chúng tôi có một lô hàng (linh kiện điện tử) đã xuất đi cho khách hàng từ 01/12/2017 nhưng hiện tại khách hàng không có nhu cầu dùng với mặt hàng này và muốn bán lại cho bên công ty (chúng tôi vẫn tiến hành thanh toán bình thường cho khách hàng). Chúng tôi dự kiến nhập hàng này về sau đó lắp ráp vào thiết bị điện tử để xuất đi (tạo ra một mã sản phẩm mới hoàn toàn). Như vậy chúng tôi có thể mở tk theo loại hình gì?Và xuất xứ sản phẩm vẫn thể hiện Việt Nam có hợp lệ không?
Trả lời:
- Căn cứ điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:
“Điều 47. Thủ tục hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu
1. Các hình thức tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại (sau đây gọi tắt là tái nhập hàng trả lại) bao gồm:
a) Tái nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;
b) Tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa;
c) Tái nhập hàng trả lại để tiêu hủy tại Việt Nam (không áp dụng đối với hàng gia công cho thương nhân nước ngoài);
d) Tái nhập hàng trả lại để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác.
2. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu;
b) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: nộp 01 bản chụp;
c) Văn bản của bên nước ngoài thông báo hàng bị trả lại hoặc văn bản của hãng tàu/đại lý hãng tàu thông báo không có người nhận hàng: nộp 01 bản chụp.
3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này (trừ giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành).
4. Cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.
…
8. Trường hợp hàng hóa tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hóa kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu thì cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tái nhập phải thông báo cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu biết (nếu là hai cơ quan hải quan khác nhau) về các trường hợp nêu tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 và trường hợp không tái xuất được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này hoặc trường hợp nêu tại Khoản 7 Điều này hoặc trường hợp quá thời hạn nêu tại Khoản 5 Điều này để xử lý thuế theo quy định.
- Căn cứ hướng dẫn sử dụng bảng mã loại hình VNACCS tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015:
Loại hình A31 – Nhập khẩu hàng xuất khẩu bị trả lại
Sử dụng trong trường hợp hàng xuất khẩu bị trả lại gồm trả lại để sửa chữa, tái chế, tiêu thụ nội địa, tiêu hủy hoặc tái xuất sang nước thứ ba của các loại hình xuất kinh doanh, xuất sản phẩm gia công, xuất sản phẩm sản xuất xuất khẩu, xuất sản phẩm của DNCX.
Theo quy định nêu trên, Công ty được tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế sau đó tái xuất theo loại hình A31.
Lưu ý: hàng hóa tái nhập phải đúng háng hóa đã xuất khẩu trước đó (tên hàng, mã HS, xuất xứ..). Do đó, xuất xứ sản phẩm phù hợp với quy định khi xuất khẩu trước đây theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ cùng các văn bản khác có hiệu lực thi hành.
Đề nghị Công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể