Họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”
Ngày 18/7/2018, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” nhằm thông tin rộng rãi về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì buổi họp báo.Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí.
Buổi họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”
Triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia vào cuối năm 2018Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã báo cáo tóm tắt, đánh giá kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại và đưa ra một số giải pháp, kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, Cơ chế một cửa quốc gia chính thức triển khai từ tháng 11 năm 2014 với các thủ tục ban đầu bao gồm 01 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và 03 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Tới nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 11 Bộ, ngành với 53 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia với một số kết quả như: Hạ tầng công nghệ thông tin hoạt động ổn định; các vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản được giải quyết; nhận thức về tạo thuận lợi thương mại đã được nâng lên; số lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết qua Cơ chế một cửa quốc gia tăng đáng kể...Tính đến 15/7/2018 đã có 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình thông tin kết quả triển khai tại buổi họp báo.
Ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước này là 30.674 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 15.372 C/O. Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan Asean. Không chỉ dừng lại trong khu vực Asean, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh Kinh tế Á – Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, phía các Bộ, ngành đến nay đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại”. Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức ngày 24/7/2018, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1899); đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương, địa phương; đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp; đại sứ hoặc đại diện của một số quốc gia và tổ chức là các đối tác thương mại, đối tác phát triển lớn của Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các nội dung: Đánh giá tổng thể kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại; Đánh giá tổng thể kết quả thực hiện cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại của các cơ quan Chính phủ; Đánh giá về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chính sách tạo thuận lợi thương mại qua ý kiến của một số tổ chức quốc tế; Báo cáo về Đề án thí điểm kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan hải quan.
Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận, đề xuất về các giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại; Thảo luận về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thảo luận về Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời lắng nghe trao đổi của một số hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics, cung cấp dịch vụ kiểm tra chuyên ngành và giải trình tiếp thu của các Bộ, ngành xoay quanh các báo cáo và nội dung thảo luận tại Hội nghị.
Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cũng đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến mục tiêu, khó khăn vướng mắc và giải pháp thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành thời gian tới.
Nguồn: Hải quan Việt Nam